Giỏ hàng của bạn trống!
8 cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân (phần 2) | Safe and Sound
Vùng an toàn là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, để phát triển bản thân tốt hơn, chuyên gia tâm lý khuyến nghị, chúng ta không thể trốn sau vỏ bọc an toàn của bản thân mà cần có những giai đoạn bứt phá mạnh mẽ. Vậy đâu là cách bước ra khỏi vùng an toàn giúp bản thân tốt hơn?
Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
5. Dũng cảm đối diện với nỗi sợ
Theo chuyên gia tâm lý, chúng ta thường có vô vàn nỗi sợ, không chỉ là nỗi sợ có chủ thể xác định như sợ chó, sợ mèo,... mà có rất nhiều nỗi sợ mơ hồ mà thậm chí không thể hiểu được vì sao chúng ta lại sợ. Để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, trước tiên bạn cần phải xác định rõ mình đang sợ hãi điều gì? Nếu không sớm giải quyết, nỗi sợ sẽ giống như một con sâu, gặm nhấm dần, khiến trong lòng chúng ta có những lỗ hổng lớn không thể nào chắp vá được.
Chuyên gia tâm lý cho biết, rèn luyện lòng dũng cảm hay dám đối diện với nỗi sợ hãi cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đơn giản như bắt chuyện với một người xa lạ, đứng lên phát biểu ở công ty… Nó sẽ là nền tảng giúp bạn dám dũng cảm thực hiện những điều lớn lao hơn.
Ảnh 1: Vượt qua nỗi sợ của bản thân, bạn sẽ “hái quả ngọt”
6. Tìm được niềm vui trong thử thách
Đôi khi vì muốn thành công đến nhanh hơn mà chúng ta thường ép buộc bản thân làm những điều mà mình không hề mong muốn. Thúc ép bản thân làm việc quá đà, bỏ bê sức khỏe để chạy theo danh vọng.. Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, tất cả điều này có thể khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức ngay cả trước khi đạt được mục tiêu. Việc cứ ép buộc bản thân phải thay đổi trong một tâm thế không thoải mái, không phải là mong muốn của bạn sẽ chỉ làm bạn thêm mệt mỏi.
Do đó, chuyên gia tâm lý cho biết, hãy cố gắng tìm kiếm niềm vui trong những việc mà bạn đã, đang và sắp thực hiện. Chỉ cần bạn thay đổi góc suy nghĩ, cách nhìn nhận của bản thân thì tự nhiên bạn sẽ thấy vấn đề đó đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
7. Mở rộng các mối quan hệ của bản thân
Theo chuyên gia tâm lý, hầu hết mọi người thường trốn tránh trong vỏ bọc an toàn của chính mình và bị hạn chế rất nhiều về các mối quan hệ. Họ sợ hãi việc trò chuyện với những người xa lạ. Và đôi khi họ cũng cảm thấy khó khăn nếu cần tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vậy vì sao muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân chúng ta cần phải tạo dựng cho bản thân thêm nhiều mối quan hệ? Chuyên gia tâm lý cho rằng, mỗi người bạn mới hoàn toàn có thể chính là người thầy của bạn trong con đường tương lai. Biết đâu bạn có thể tìm được cho mình những người đồng điệu về tâm hồn hoặc chính là người cùng bạn vượt qua những khó khăn trong hành trình bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
8. Hãy chăm sóc bản thân
Ảnh 2: Hãy luôn yêu thương bản thân và tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống
Việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân khiến bạn cảm thấy hao tâm tổn sức rất nhiều, cũng có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, tự hỏi quyết định của mình liệu có thực sự đúng đắn. Bởi thế, chuyên gia tâm lý khuyến nghị, dù làm cách nào để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân bạn cũng không được quên việc chăm sóc cho chính bản thân mình.
Chuyên gia tâm lý cho biết, thể chất và tinh thần luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khi có một cơ thể khỏe mạnh bạn sẽ cảm thấy tinh thần tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Tương tự, khi tinh thần vui vẻ bạn sẽ chẳng còn cảm thấy mệt mỏi, làm việc gì cũng dứt khoát. Hơn hết để đối diện với những khó khăn, thử thách trước mắt thì việc có một tinh thần và thể chất khỏe mạnh là cực kỳ cần thiết.